Sóc BomBo thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, từ thị xã Đồng Xoài chạy theo QL14 hướng về Bù Đăng khoảng 50 km là sẽ đến nơi.
Chúng ta đều biết đến Sóc BomBo qua bài hát “Tiếng chày trên Sóc BomBo” nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Hồng, hình ảnh của những người dân đồng bào S’Tiêng ngày đêm giã gạo nuôi quân chống giặc đã đi vào thơ ca và lịch sử như thế.
Đồng bào S’tiêng giã gạo trên Sóc BomBo – Ảnh: internet
Ngày nay, qua chiến tranh và thời gian, Sóc BomBo đã có nhiều biến đổi, nhưng nó vẫn giữ được nét đặc trưng riêng trong đời sống của đồng bào S’tiêng, nơi bên ánh lửa bập bùng đêm đêm vẫn vang lên tiếng chày giã gạo nhịp nhàng, thân thuộc…
Đường lên Sóc BomBo – Ảnh: Kiên Phạm
Nghe lại tiếng chày đêm
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, người dân S’tiêng của Sóc BomBo đã đóng góp sức người, sức của rất lớn cho cuộc kháng chiến trường kỳ và dai dẳng. Sóc BomBo đã huy động già trẻ gái trai đồng lòng ngày đêm giã gạo để nuôi quân.
Già làng Điểu Lên của Sóc BomBo – Ảnh: cuongbv
Từ đây, Nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết nên “Tiếng chày trên Sóc BomBo”, bài hát đã đi vào huyền thoại của nền âm nhạc cách mạng.
Cối và chày giã gạo được làm bằng gỗ, rất thô sơ, nhưng nhờ những đôi tay rắn rỏi nhịp nhàng của đồng bào S’tiêng, Sóc BomBo đã lập nên kỳ tích trong thời chiến.
Chiếc cối giã gạo được lưu giữ tại nhà truyền thống Bom Bo – Ảnh: vietlandmark
Cối và chày của người S’tiêng hiện không còn sử dụng, chúng được lưu giữ trong nhà truyền thống, như để tưởng nhớ về một quá khứ vẻ vang và oai hùng.
Trong những dịp lễ hội đặc biệt, người dân cũng tổ chức các cuộc thi giã gạo như thể hiện một niềm tự nào chưa bao giờ nguôi của Sóc BomBo.
Bình yên cuộc sống trên Sóc BomBo – Ảnh: Cuongbv
Đến Sóc Bombo bằng xe khách hoặc xe máy
Từ TPHCM, có thể đến Bù Đăng bằng xe máy hoặc xe khách chất lượng cao với chi phí chỉ từ 100k/lượt.
Đường về BomBo – Ảnh: kienthuc
Nếu đi bằng xe máy thì có 2 hướng đi là qua cầu Bình Triệu chạy theo quốc lộ 13 hoặc qua cầu Sài Gòn chạy theo xa lộ Hà Nội đến Nam Cát Tiên rồi vòng qua Bù Đăng.
Thời gian đi mất khoảng 3 tiếng, không quá xa nhưng cũng đủ để bạn đổi gió vào một ngày cuối tuần.
Lửa trại trên Sóc BomBo – Ảnh: Sưu tầm
Sóc Bombo thời nay
Chính quyền Bù Đăng đã đổi tên Bom Bo thành một xã, còn Sóc BomBo ngày ấy giờ chỉ là Sóc 1. Tuy nhiên, đối với những ai từng có cơ hội đến với Sóc BomBo cách đây khoảng chục năm thì nay khi trở lại chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên bởi tốc độ thay da đổi thịt.
Những con đường mịt mù đất đỏ được thay bằng những con đường bê tông bằng phẳng, giao thông phát triển, điều kiện đi lại học tập làm việc cũng được cải thiện, đời sống người dân dần tốt hơn.
Một người phụ nữ của Sóc BomBo ngày nay – Ảnh:internet
Đời sống văn hoá của Bom Bo vẫn rất đặc sắc – Ảnh: thienvanhanoi
Già làng Điểu Lên, một trong những anh hùng thời kháng chiến chống Mỹ phát biểu rằng hi vọng trong tương lai không xa, sẽ phát triển những làng nghề cho ra những sản phẩm đặc sắc của Sóc BomBo, vừa để phát triển kinh tế, vừa để khẳng định giá trị văn hoá lịch sử của vùng đất thiêng liêng này.
Nhà truyền thống Bom Bo, nơi lưu giữ các giá trị lịch sử – Ảnh: kienvnx
Nhà thờ Sóc BomBo – Ảnh: Cuongbv
Sóc BomBo mặc dù chỉ còn trong lời bài hát của cố nhạc sĩ Xuân Hồng, nhưng khi đến đây, ngắm nhìn nhịp sống của người dân S’tiêng, uống 1 ngụm rượu cần, ăn thịt nướng, quây quần bên bếp lửa nghe già làng kể chuyện bạn vẫn có thể cảm nhận được tiếng “cắc cùm cum cắc cum cum cùm cum” trong lời bài hát.
Với giá trị văn hoá lịch sử cùng với hệ sinh thái xung quanh đa dạng, quyến rũ, Sóc BomBo hứa hẹn sẽ là điểm đến yêu thích của nhiều du khách thập phương trong tương lai.
Nguồn: mytour